Logo Bệnh viện Nhân dân 115
14/02/2018 11:59

Cuộc chiến chưa hồi kết giữa hệ miễn dịch với tế bào ung thư

Tế bào ung thư là kẻ địch rất tinh ranh, vì chúng có thể phát triển một số cách “tàng hình” để qua mặt hệ miễn dịch, hoặc lợi dụng một số loại tế bào của chính hệ miễn dịch để phòng vệ trước sự tấn công của hệ miễn dịch.
Chiều 24/1, tại buổi sinh hoạt chuyên môn của BV Nhân dân 115 (TPHCM), TS. Phan Minh Liêm đã có dịp chia sẻ với các bác sĩ về vai trò của hệ miễn dịch trong điều trị ung thư. Đây là bài báo cáo tổng quan gồm kiến thức nền tảng và những phát hiện quan trọng mới gần đây về tác dụng của hệ miễn dịch trong điều trị ung thư.

Bài báo cáo của TS Liêm có 3 phần: vai trò và ảnh hưởng của hệ miễn dịch đối với tế bào ung thư, các biện pháp tự vệ của tế bào ung thư trước hệ miễn dịch và liệu pháp miễn dịch trong điều trị ung thư.

TS Phan Minh Liêm đến từ đến từ Trung tâm ung thư MD Anderson - chia sẻ những kiến thức mới nhất về về liệu pháp miễn dịch trong điều trị ung thư

Hệ miễn dịch của cơ thể gồm 2 nhánh: miễn dịch đặc hiệu và miễn dịch tự nhiên (không đặc hiệu). Sự hỗ trợ qua lại giữa hai nhánh của hệ miễn dịch giúp cơ thể chúng ta kháng bệnh một cách hiệu quả. Thế nhưng những tế bào ung thư thông minh đã sử dụng những hoạt tính của hệ miễn dịch để chống lại hệ miễn dịch. Giải mã cuộc chiến ly kỳ giữa ung thư và hệ miễn dịch là vấn đề làm đau đầu các nhà khoa học suốt 50 năm qua.

Sau nhiều năm nghiên cứu người ta phát hiện hệ miễn dịch có ảnh hưởng lớn đối với thời gian sống của bệnh nhân ung thư. Ví dụ: một trường hợp của bệnh nhân bị ung thư khoang miệng, khi lấy khối u ra sinh thiết để đếm số lượng tế bào lympho xâm nhập vào bên trong khối u, người ta thấy rằng bệnh nhân có nhiều tế bào lympho T có mặt bên trong khối u thì thời gian sống cải thiện rất rõ so với những bệnh nhân chỉ có một số ít tế bào lympho T xâm nhập được vào bên trong khối u. Điều đó cho thấy sự tỷ lệ thuận giữa số lượng tế bào lympho T với thời gian sinh tồn của bệnh nhân. Tế bào lympho T CD8+ có vai trò quan trọng trong tiêu diệt các tế bào ung thư.


Trong quá trình điều trị bằng liệu pháp miễn dịch, nếu kết hợp với xạ trị thì trong một số trường hợp, đáp ứng của liệu pháp miễn dịch sẽ tăng lên đáng kể. Khi nâng hoạt tính của hệ miễn dịch lên bằng cách truyền một số kháng thể đơn dòng của liệu pháp miễn dịch, hoạt tính kháng ung thư của tế bào miễn dịch lympho T CD8+ sẽ được nâng lên.

Khi chúng ta “xạ mồi” một vài tia đủ để tiêu diệt một vài khối u nhỏ (không cần phải giết toàn bộ tất cả các khối u), một số tế bào ung thư sẽ chết do xạ trị. Trong quá trình các tế bào trình diện kháng nguyên đến để dọn dẹp phần khối u bị chết, các tế bào này sẽ lấy được một số kháng nguyên đặc hiệu của tế bào ung thư và trình diện cho các tế bào lympho T, lympho B.

Quá trình này sẽ tiếp tục kích hoạt hơn nữa hệ miễn dịch của chúng ta, vốn đã được kích hoạt bằng kháng thể đơn dòng của liệu pháp miễn dịch. Đây là cách kết hợp xạ trị và liệu pháp miễn dịch được áp dụng hiện nay trên thế giới tại một số bệnh viện uy tín. Sự kết hợp này tăng hiệu quả điều trị ở một số bệnh nhân ung thư.



Chúng ta thường nghĩ rằng tất cả các tế bào của hệ miễn dịch sẽ tấn công tế bào ung thư nhưng thực tế không phải như vậy, mà vẫn có những tế bào của hệ miễn dịch hỗ trợ đắc lực cho sự phát triển của tế bào ung thư. Ví dụ như tế bào T-reg,… là những tế bào giúp cho ung thư phát triển mạnh, đây là một trong các cơ chế phòng vệ của tế bào ung thư.

Ngược lại, một số tế bào khác như đại thực bào lại có vai trò vừa ức chế lại vừa thúc đẩy khối u phát triển và di căn. Đại thực bào chia làm 2 loại là M1 và M2. Đại thực bào nhóm M1 kháng ung thư còn nhóm M2 lại giúp ung thư phát triển. Để làm rõ nội dung này, TS Liêm đưa ra bảng tóm tắt vai trò của từng loại tế bào của hệ miễn dịch đối với ung thư và trình bày về vai trò của đại thực bào.


Để tự vệ trước hệ miễn dịch, tế bào ung thư có một số cơ chế: “tàng hình”, dẫn dụ tế bào T-reg và lợi dụng cơ chế Fas ligands, sản xuất các tế bào tố có khả năng ức chế đáp ứng miễn dịch.

Cách “tàng hình” trước hệ miễn dịch của tế bào ung thư là chúng hạn chế biểu hiện các protein MHC 1 mang kháng nguyên đặc trưng của chúng để không bị hệ miễn dịch tìm thấy.

Cơ chế thứ 2 là tế bào ung thư chủ động mời gọi, dẫn dụ, kích hoạt các tế bào T-reg, lợi dụng tế bào tế bào T-reg để bảo vệ khối u. Bình thường tế bào T-reg kéo đến khi hệ miễn dịch đã dọn dẹp xong các viêm nhiễm và chuyển sang quá trình tái tạo mô làm lành vết thương, lúc này các đáp ứng miễn dịch phải giảm bớt. Tế bào ung thư lợi dụng cơ chế này kêu gọi tế bào T-reg đến vị trí của khối u để đánh lừa hệ miễn dịch.


T-reg có vai trò rất đa dạng, không chỉ đơn thuần ức chế hệ miễn dịch mà còn có khả năng tái lập trình một số tế bào lympho T CD4+ thành những tế bào T-reg mới. Điều đó cho thấy T-reg rất quan trọng đối với sự hình thành, phát triển và tồn tại của các khối u.

Cơ chế thứ 3 là tế bào ung thư lợi dụng Fas ligands. Fas ligands là một cơ chế phòng vệ để bảo vệ một số cơ quan trọng yếu của cơ thể, nơi mà hệ miễn dịch không bao giờ xâm phạm tới như như tinh hoàn hay một số vị trí đặc biệt ở não. Những vị trí này được bảo vệ rất kỹ lưỡng bởi nhiều hàng rào miễn dịch nhưng tế bào miễn dịch không được phép đi qua hàng rào đó. Đây là một cơ chế đã được giữ lại trong quá trình tiến hóa và bị tế bào ung thư lợi dụng để tiêu diệt các tế bào lympho T CD8+ của hệ miễn dịch.


Mặc dù nghe có vẻ mới mẻ nhưng thực chất con người đã lợi dụng hệ miễn dịch để tiêu diệt tế bào ung thư từ rất lâu rồi. Ví dụ: trong điều trị ung thư bàng quang đã sử dụng các vi khuẩn mycobacterium BCG tiêm vào vị trí có khối u. Sự xuất hiện của nhóm vi khuẩn này sẽ nhanh chóng kích hoạt hệ miễn dịch, lôi kéo những tế bào của hệ miễn dịch đến vị trí khối u. Hiện tại, phương pháp này vẫn được dùng và tỏ ra hiệu quả, giúp tăng thời gian sống của bệnh nhân ung thư bàng quang.

Hiện nay một số loại thuốc/ một số loại kháng thể đơn dòng, ví dụ Pembrolizumab, đã được sử dụng để ức chế sự tương tác giữa PD1-PDL1, giúp tăng cường hoạt tính kháng ung thư của tế bào lympho T CD8+.

Bình thường khi tế bào lympho T CD8+ gặp tế bào ung thư mà tế bào ung thư có đủ PDL1 để tự vệ thì tế bào lympho T CD8+ bị bất hoạt. Nhưng khi có những kháng thể đơn dòng bất hoạt PDL1 truyền vào thì kháng thể đơn dòng sẽ tiếp cận và ức chế sự tương tác này, bảo vệ tế bào Lympho T CD8+.

Ngoài ra, còn có các cơ chế khác như sử dụng kháng thể kháng CTLA4 để tăng cường hoạt tính kháng ung thư của tế bào lympho T CD8+.


Cuối phần trình bày của mình, TS Phan Minh Liêm đúc kết: hệ miễn dịch đóng vai trò quan trọng trong việc phát hiện và tiêu diệt các tế bào ung thư, các tế bào miễn dịch có ảnh hưởng khác nhau lên tế bào ung thư, các tế bào ung thư sử dụng nhiều cơ chế phòng vệ đa dạng để lẩn tránh hoặc ức chế các phản ứng tấn công của hệ miễn dịch.

Liệu pháp miễn dịch hứa hẹn nhiều tiềm năng trong điều trị ung thư nhưng cần được tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện hơn nữa, đặc biệt là giảm bớt các tác dụng phụ, tăng cường khả năng nhận biết và tiêu diệt tế bào ung thư của tế bào miễn dịch.

Để xem toàn bộ nội dung thuyết trình của TS Phan Minh Liêm, mời quý đồng nghiệp theo dõi video:
>> TS Phan Minh Liêm cập nhật thông tin mới về điều trị ung thư bằng liệu pháp miễn dịch

Theo Hồng Nhung
Cổng thông tin Tư vấn sức khỏe AloBacsi

TỔNG ĐÀI ĐẶT LỊCH KHÁM BỆNH

028 1080