Logo Bệnh viện Nhân dân 115
01/04/2019 08:13

Cập nhật trong chẩn đoán và điều trị các bệnh lý đường tiêu hóa trên

Trong chương trình sinh hoạt khoa học định kỳ trong tháng 3/2019, khối chuyên môn Tiêu hóa – Ung bướu đã tổ chức chuyên đề Cập nhật trong chẩn đoán và điều trị các bệnh lý đường tiêu hóa trên, gồm 2 chuyên đề: Bệnh trào ngược dạ dày thực quản và Xuất huyết tiêu hóa trên.

Chủ đề Bệnh trào ngược dạ dày (Gastroesophageal reflux disease – viết tắt GERD) do báo cáo viên Bs.CKII Trương Thị Ái Phương – Phó Trưởng khoa Nội tiêu hóa – Bệnh viện Nhân dân 115 cho biết là tình trạng dịch dạ dày trào ngược lên thực quản gây ra các triệu chứng hoặc biến chứng trên thực quản.


- Người bị trào ngược dạ dày thực quản cần lưu ý tránh một số yếu tố có thể  làm suy giảm chức năng cơ thắt thực quản dưới dẫn đến trào ngược dạ dày thực quản như café, rượu, chocolate, bữa ăn nhiều chất béo, béo phì, thuốc tránh thai, nicotine trong thuốc lá…

Bs.CKII Trương Thị Ái Phương – Phó Trưởng khoa Nội tiêu hóa – Bệnh viện Nhân dân 115

- Đa số bệnh nhân GERD đáp ứng với điều trị nội khoa, nhưng dễ tái phát sau khi ngưng điều trị: Trong một nghiên cứu, gần 100% bệnh nhân GERD LA B-C tái phát sau 6 tháng, và 68% bệnh nhân GERD nói chung tái phát sau 1 năm sau khi ngưng điều trị thuốc. Do đó phát hiện các biến chứng nặng của GERD và điều trị tích cực là rất quan trọng.

- Các biến chứng của GRED gồm: viêm thực quản, hẹp thực quản, thực quản  Barrett, ung thư biểu mô tuyến thực quản. Trong đó thực quản Barrett dị sản nặng làm tăng nguy cơ ung thư biểu mô tuyến thực quản lên 30 – 40 lần.


- Diễn tiến của thực quản Barrett: Thực quản Barrett với dị sản mức độ thấp nguy cơ diễn tiến sang ung thư biểu mô tuyến thực quản là 10 %, thực quản Barrett với dị sản mức độ nặng thì nguy cơ diễn tiến sang ung thư biểu mô tuyến thực quản là 40 %.

- Một số yếu tố cần lưu ý để làm tăng hiệu quả điều trị bệnh lý GERD: Tuân thủ điều trị, thời gian uống thuốc, cách uống thuốc, liều thuốc. Tốt nhất nên uống thuốc ức chế bơm proton (PPI) vào buổi sáng, trước ăn 30 phút, không nên uống PPI cùng lúc với các thuốc kháng tiết khác như H2RAs, anticholinergic, misoprostol…).

- Nguyên tắc cơ bản của điều trị GERD là can thiệp lối sống (Như giảm cân nếu béo phì, không hút thuốc lá, tránh các bữa ăn tối muộn, nâng cao đầu giường khi ngủ,..) và giảm acid trong lòng thực quản bằng điều trị nội khoa hay bằng phẫu thuật chống trào ngược khi có chỉ định.

- Theo hướng dẫn của Hiệp hội phẫu thuật tiêu hóa và nội soi Mỹ (SAGES), chỉ định can thiệp phẫu thuật có thể phù hợp trong các trường hợp sau:

+ Ở những bệnh nhân thất bại điều trị nội khoa;

+ Quyết định phẫu thuật mặc dù đã điều trị nội khoa thành công và bệnh nhân muốn điều trị dứt điểm 1 lần;

+ Có các biến chứng của GERD như thực quản Barrett, chít hẹp thực quản;

+ Thoát vị hoành lớn;

+ Có các triệu chứng không điển hình như hen suyễn, khàn giọng, ho, đau ngực, xói mòn răng;

+ Hít dịch dạ dày và trào ngược được ghi nhận trong theo dõi pH thực quản 24 giờ.

Tóm lại GERD đáp ứng tốt với điều trị nội khoa, tuy nhiên tái phát sau ngưng điều trị chiếm tỉ lệ cao, nếu có chỉ định điều trị lại thì dùng liều thấp nhất có hiệu quả, điều trị gián đoạn, điều trị theo nhu cầu. Theo dõi sát các biến chứng của GERD, đặc biệt là thực quản Barrett, để có hướng điều trị thích hợp và kịp thời. Bệnh nhân cần tuân thủ điều trị để đạt được hiệu quả cao trong điều trị.

Chủ đề Xuất huyết tiêu hóa (XHTH) trên do Ts.Bs.CKII.Lê Thị Tuyết Phượng – Trưởng khoa Nội tiêu hóa – BV Nhân dân 115 trình bày cũng là một bệnh lý cần được xử lý cấp cứu gồm: Hồi sức chống shock, xác định nguyên nhân, kiểm soát xuất huyết qua nội soi, PPI liều cao ngừa tái xuất huyết và can thiệp phẫu thuật, DSA.


Ts.Bs.CKII.Lê Thị Tuyết Phượng – Trưởng khoa Nội tiêu hóa – BV Nhân dân 115

XHTH là bệnh lý cấp cứu, nguyên nhân chủ yếu do loét dạ dày tá tràng, thường xảy ratrên bệnh nhân sử dụng NSAID hay thuốc kháng đông. Nguyên tắc điều trị:

-  Hồi sức  tích cực sớm giúp giảm tỉ lệ tử vong
-  Cần đánh giá nguy cơ trước khi nội soi
Nội soi sớm trong vòng 24 giờ
- PPI liều cao được khuyến cáo sử dụng trong điều trị XHTH trên, trong thời gian trước & sau khi nội soi
- Duy trì pH > 6 là cần thiết trong điều trị xuất huyết tiêu hóa.


Liệu pháp sử  dụng thuốc theo đồng thuận quốc tế khuyến cáo:
- 
Thuốc kháng thụ thể H2 không được khuyến cáo cho bệnh nhân loét – xuất huyết cấp
- 
Somatostatin & octreotide không thường được khuyến cáo cho bệnh nhân loét – xuất huyết cấp
- 
Một mũi tiêm tĩnh mạch PPI& theo sau là PPI truyền liên tục được sử dụng để giảm tỉ lệ xuất huyết tiêu hóa & tử vong trên những bệnh nhân nguy cơ cao.
-
Bệnh nhân nên được xuất viện với toa thuốc PPI đường uống liều 1 lần/ngày trong khoảng thời gian tùy theo nguyên nhân gây bệnh
Kết thúc buổi sinh hoạt chuyên môn,các bác sĩ khối tiêu hóa – ung bướu và các bác sĩ tham dự đã có buổi bàn luận sôi nổi, đưa ra chiến lược theo dõi và điều trị bệnh trào ngược dạ dày thực quản và xuất huyết tiêu hóa trên, nhằm phát hiện sớm các biến chứng và đưa ra phương pháp điều trị phù hợp đối với từng bệnh nhân để mang lại hiệu quả điều trị cao nhất.

Một số hình ảnh trong buổi sinh hoạt:



Trao đổi, thảo luận của các bác sĩ

                                     

Minh Hân

TỔNG ĐÀI ĐẶT LỊCH KHÁM BỆNH

028 1080