Logo Bệnh viện Nhân dân 115
13/04/2018 17:08

BV Nhân Dân 115 tập huấn đề phòng, chẩn đoán và xử trí phản vệ

Chiều 11/4, tại BV Nhân Dân 115 diễn ra buổi tập huấn - Triển khai thông tư số 51/2017/TT-BYT về hướng dẫn phòng, chẩn đoán và xử trí phản vệ.
Sốc phản vệ là tai nạn, rủi ro, biến cố không mong muốn trong quá trình dùng thuốc: tiêm truyền, chích ngừa, uống, bôi,…; trong sinh hoạt: sử dụng thực phẩm, bị côn trùng đốt… với tần suất ≈ 0,05 - 2 % dân số, tỷ lệ xuất hiện ngày càng tăng. Sốc phản vệ được xã hội đặc biệt quan tâm vì có nhiều người bệnh tử vong đáng tiếc.

Thực tiễn xử trí cấp cứu sốc phản vệ còn nhiều bất cập do xử trí quá chậm, điều dưỡng không thể chẩn đoán được sốc phản vệ để dùng thuốc, bác sĩ không thể có mặt kịp thời để quyết định chẩn đoán và xử trí.

Công tác triển khai thông tư số 51/2017/TT-BYT: “Hướng dẫn phòng, chẩn đoán và xử trí phản vệ” giúp nhân viên y tế và người bệnh nhận biết sớm và xử trí cấp cứu kịp thời khi có sốc phản vệ, điều này giúp găn chặn có hiệu quả tiến triển của sốc phản vệ đe dọa tính mạng người bệnh.

BS.CK2 Trần Văn Sóng - trưởng khoa Câp cứu tổng hợp - triển khai nội dung tập huấn về phòng, chẩn đoán sốc phản vệ

Định nghĩa về phản vệ (anaphylaxis)

Trong cấp cứu, định nghĩa chính xác về phản vệ không quan trọng. Hiện nay vẫn chưa có định nghĩa nào đã được thống nhất thừa nhận rộng khắp toàn cầu. Định nghĩa phản vệ được nhiều tác giả đề cập nhất là: Một phản ứng quá mẫn toàn thân nghiêm trọng, đe dọa tính mạng; khởi phát nhanh trong vài phút đến vài giờ và có thể phục hồi hoàn toàn nếu phát hiện sớm và xử trí kịp thời.

Các bệnh cảnh lâm sàng của phản vệ

Chẩn đoán là phản vệ khi có 1 trong 3 bệnh cảnh sau:

- Bệnh cảnh 1: có các triệu chứng ở da, niêm mạc kèm ít nhất 1 trong 2 triệu chứng hô hấp hoặc tụt huyết áp.

- Bệnh cảnh 2: có 2 trong 4 triệu chứng ở da, niêm mạc hoặc hô hấp hoặc tụt huyết áp hoặc ở ống tiêu hóa.

- Bệnh cảnh 3: Tụt huyết áp xuất hiện sau khi tiếp xúc với 1 dị nguyên đã từng bị dị ứng.

Khó khăn trong chẩn đoán phát hiện phản vệ

- Sốc phản vệ thường không được phát hiện kịp thời

- Khi không có các dấu hiệu/triệu chứng: giảm huyết áp, dấu da niêm, dấu hô hấp

- Các dấu hiệu và triệu chứng là không đặc hiệu.

- Khi người bệnh đang bị các bệnh khác che lấp: phẫu thuật, lọc máu, đau,…

- Khi đang dùng một số thuốc…

Tiếp theo, BS.CK2 Trần Văn Sóng trình bày các nguyên tắc chung trong xử trí sốc phản vệ theo Phụ lục III - Hướng dẫn xử trí cấp cứu phản vệ, ban hành kèm theo Thông tư số 51/2017/TT-BYT ngày 29/12/2017 của Bộ trưởng Bộ Y tế.

Sau khi trình bày các nguyên tắc chung, BS Sóng cập nhật một số điểm chính trong xử trí: xử trí phản vệ dựa trên các nguyên lý hồi sinh tim phổi, hoàn cảnh xảy ra trong hay ngoài bệnh viện; kỹ năng của người cấp cứu có được huấn luyện tốt hay không; số người tham gia cấp cứu và tổ chức công tác cấp cứu; trang thiết bị và thuốc cấp cứu sẵn có, tư thế người bệnh khi cấp cứu sốc phản vệ, Vấn đề loại bỏ yếu tố khởi phát…)

Bên cạnh đó, buổi tập huấn cũng cập nhật dùng thuốc Adrenaline và các biện pháp hồi sức khác.

Đúc kết từ buổi tập huấn:

- Phản vệ là một phản ứng dị ứng toàn thân, khởi phát nhanh và có thể đe dọa tính mạng.

- Nhận biết sớm được người bệnh bị phản vệ và xử trí cấp cứu kịp thời có thể ngăn chặn hiệu quả tiến triển của phản vệ và cứu sống người bệnh.

- Adrenalin (0.01 mg/kg tiêm bắp) là thuốc điều trị cứu mạng.

- Triển khai thông tư số 51/2017/TT-BYT cho tất cả nhân viên y tế để hướng dẫn phòng, chẩn đoán và xử trí phản vệ, đảm bảo an toàn cho người bệnh là trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở y tế.

Cuối cùng là phần hỏi đáp, trao đổi ‎kiến giữa các bác sĩ về vấn để xử trí sốc phản vệ.


Kim Quy - Phan Nhân

TỔNG ĐÀI ĐẶT LỊCH KHÁM BỆNH

028 1080